Với một quốc gia có hơn 90% dân số theo đạo Phật và coi đạo Phật là quốc giáo thì cũng không có gì ngạc nhiên khi bạn bắt gặp hàng nghìn ngôi chùa lớn nhỏ ở Thái Lan. Chùa Phật Ngọc (tiếng Thái là Wat Phra Kew) hay còn gọi là chùa Hoàng Gia, là một địa điểm mà bất kì ai đến Bangkok cũng đều muốn ghé thăm, đây là khu vực quan trọng và linh thiêng của Hoàng Cung, người ta tin rằng khi đến đây cầu nguyện họ sẽ được ban phước lành và may mắn.
Tượng Phật – bùa hộ mệnh của vương quốc
Wat Phra Kaew tọa lạc tại trung tâm thủ đô Bangkok, trong khuôn viên của Cung điện Hoàng gia Thái Lan rộng hơn 90ha. Người Thái xưa cho rằng nếu những pho tượng quý giá trong chùa bị đánh cắp thì triều đại của họ sẽ diệt vong nên đã cho xây dựng một bức tường dài bao quanh để bảo vệ ngôi chùa. Tuy trong khuôn viên của Hoàng Cung có rất nhiều ngôi chùa khác nhưng chùa Phật Ngọc vẫn được tôn sùng nhất, bởi đây là nơi lưu giữ pho tượng Phật ngọc lục bảo quý giá, có ý nghĩa rất lớn đối với người dân Thái Lan. Phải tận mắt chứng kiến cách bố trí pho tượng mới có thể hiểu được nó có ý nghĩa quan trọng như thế nào. Người Thái tin rằng bức tượng là tấm bùa hộ mệnh bảo vệ nền độc lập của Thái Lan, bảo vệ người dân Thái, đem an lành và sự thịnh vượng cho vương quốc.
Nguồn gốc bí ẩn và tên gọi đặc biệt
Wat Phra Kaew được xây dựng vào năm 1782 dưới triều vua Rama I, ngôi chùa đã tồn tại song hành cùng với sự phát triển của Thái Lan trên 230 năm. Vào thời điểm này, đức vua Rama I đã cho chuyển pho tượng phật quý giá từ chùa Wat Arun bên kia bờ sông Chao sang chùa Phật Ngọc và từ đó đã trở thành biểu tượng hữu hình của người Thái. Tên gọi của ngôi chùa này được đặt theo bức tượng Phật ngọc lục bảo. Theo truyền thuyết kể lại, tượng Phật có xuất xứ từ Ấn Độ và được tạc sau 500 năm Đức Phật nhập niết bàn. Tuy nhiên, lại có câu chuyện kể rằng bức tượng có xuất xứ từ Campuchia (vào thế kỷ XV), sau đó bức tượng được đưa đến Lào (thế kỷ XVI) và được đưa đến Thái vào thế kỷ XVIII. Tuy nhiên những sử gia nghiên cứu về nghệ thuật thì khẳng định rằng bức tượng này được tạc tại chính đất nước Thái Lan.
Ngôi chùa không có nhà sư
Khác so với những ngôi chùa có các vị sư tăng chủ trì, chùa Phật Ngọc là ngôi chùa duy nhất không có khu tăng xá (nơi ở dành cho các vị chư tăng), bởi ở đây chỉ có chính điện thờ Phật. Trong quá khứ, đây là nơi ở dành cho các nhà vua nên bất kì ai cũng không được phép bước vào khuôn viên linh thiêng này.
Một năm thay áo ba lần
Nhắc tới Wat Phra Kaew là nhắc đến tượng Phật Ngọc – pho tượng bằng được làm từ ngọc quý, ngồi thiền trên tòa sen bằng vàng. Bức tượng với kích thước tuy không lớn nhưng được coi là bảo vật quốc gia. Ngoại trừ quốc vương không ai được phép đụng vào bức tượng, nhà vua sẽ thay áo cho bức tượng ba lần một năm, vào mùa hè, mùa đông và mùa mưa kết hợp với những nghi lễ đặc biệt để thực hiện sự kiện quan trọng này.
Ngọc lục bảo đặt trên án thờ 11m
Phía trên bức tượng Phật là một chi tiết rất nhỏ nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đó chính là viên ngọc lục bảo được đặt trên tháp bằng vàng cao 11m, bên cạnh là những quả cầu thủy tinh tượng trưng cho nhật nguyệt, âm dương. Không gian bài trí rất tôn nghiêm và thanh tịnh.
Lối kiến trúc đặc biệt
Kiến trúc của chùa Phật Ngọc mang phong cách Rattanakosin – kiến trúc cổ của Bangkok. Chính điện không quá lớn, nhưng màu sắc, hình thể, vị trí hài hòa đã khiến nó trở thành một quần thể rất đặc biệt. Nếu như đến đây, bạn ngắm nhìn hành lang bích họa dài hơn 1km bao quanh chùa. Có 178 bức tranh mang ý nghĩa khác nhau thể hiện về cuộc đời của Đức Phật từ Đản sanh cho đến khi Niết bàn.
Trong khuôn viên ngôi chùa có hai thư viện là nơi lưu trữ kinh sách. Thư viện Phra Mondop với kiến trúc theo phong cách Thái Lan nhưng hầu như đều đóng cửa. Ở đây còn lưu trữ bộ Tam tạng kinh điển cổ của Phật giáo. Trong quần thể này còn có nơi được cho là lưu giữ tro cốt của Phật – ngôi tháp bằng vàng có tên gọi là Phra Si Rattana Chedi.
Cách đó không xa là tòa Royal Pantheon trưng bày tượng của bảy vị vua của triều đại Chakri (Rama I – Rama VII). Chỉ mở cửa vào mùng 6 tháng 4 hàng năm ngày kỷ niệm thành lập vương triều.
Một điểm nhấn thú vị tại ngôi chùa đó là mô hình Angkor Wat thu nhỏ được xây dựng dưới triều đại vua Mongkut và hoàn thành dưới triều vua Nangklao (Rama III). Thái Lan đã từng thôn tính Campuchia mấy trăm năm, tòa Angkor Wat này được cho là vật kỷ niệm của vua Mongkut, nhắc về một thời kỳ quyền uy của các vị vua Thái Lan.
Xung quanh chùa Phật Ngọc là những tòa tháp lộng lẫy hay tượng voi, biểu trưng cho sự quyền lực và độc lập của Thái Lan. Người xưa cho rằng khi đứa trẻ ra đời, cha mẹ bế đứa bé đi xung quanh các bức tượng voi con mình sẽ khỏe mạnh và thành công trong tương lai.